-->

8 điểm đến cực hấp dẫn không thể bỏ qua khi du lịch Nam Định

Chia sẻ bài viết bài trên: :
Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Tại Vườn quốc gia Xuân Thủy có 192 loài thuộc 145 chi của 60 họ, trong đó có gần 20 loài thích nghi với điều kiện ngập nước để cấu thành lên hệ thống rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha. Rừng ở đây góp phần cố định phù sa để tạo nên các bãi bồi mới, làm vườn ươm và cung cấp thức ăn cho các loài thủy sinh đồng thời đóng vai trò cân bằng sinh thái của khu vực. 


Vườn quốc gia Xuân Thủy cách Hà Nội khoảng 160km, với tổng diện tích là 12.000 ha thuộc vùng cửa sông Hồng, nằm hầu hết ở địa phận xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ, Nam Định, trải dài qua Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh. Vườn quốc gia Xuân Thủy là một điểm du lịch sinh thái lý thú cho những ai thích tìm hiểu đời sống những loài chim di trú và sống với thiên nhiên hoang dã.
Sự kết hợp phù sa màu mỡ của sông Hồng và vùng ven biển đã biến khu vực này thành một khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm...Đây cũng là Vườn quốc gia duy nhất của Việt Nam hiện nay tham gia Công ước Quốc tế RAMSAR (Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng Quốc tế đặc biệt là nơi cư trú của những loài chim nước-Ramsar, Iran, 1971).



Rừng sú vẹt Xuân Thủy là nơi cư ngụ của nhiều loài chim, mèo biển, cáo biển, rái cá... Dưới nước là các loại tôm, cá, cua, rắn, ngao, sò... là nguồn thức ăn phong phú của các loài chim. Vào mùa hoa sú vẹt, hương thơm tỏa mát là dịp hội tụ của những đàn ong mật.
Đến Xuân Thủy du khách được sống trong không gian bao la của đất trời, mây nước; hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn giang sơn của những đàn chim trời: sếu, cò, giang, bồ nông, ngỗng, vịt trời và nhiều loài chim khác đang cần mẫn kiếm mồi hoặc bay lượn tung tăng.



Nhà thờ đổ Hải Lý
Dù đã bị phá hủy, nhưng nhà thờ đổ ở bờ biển Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu vẫn là một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch gần xa. Nằm khép mình bên bãi biển hoang sơ, nhưng nhà thờ đổ Lý Hải vẫn mang trong mình những điều bí ẩn, hoang sơ mà không một du khách nào có thể cưỡng lại nổi khi tới nơi đây.
Nhà thờ nổi bật ở sát mép biển, giữa những con thuyền đánh cá nhiều màu sắc. Ảnh: Meogia Photo

Vẻ đẹp hoang sơ bên cạnh cuộc sống mưu sinh của những người dân chài cần cù, chất phác giữa thiên nhiên thanh bình mang lại những cảm giác mới lạ cho du khách ghé thăm. Ảnh: Lê Bích

Để đến nhà thờ đổ, từ Hà Nội, đi theo quốc lộ 1A, rẽ vào quốc lộ 21, về thành phố Nam Định, qua cầu Đò Quan, hỏi đường về huyện Hải Hậu. Đến trung tâm huyện (cầu Yên Định) hỏi đường ra thị trấn Cồn (cách cầu Yên Định khoảng 8 km). Ở đây có biển chỉ dẫn (phía bên trái): Văn Lý 3 km. Đi theo biển chỉ dẫn, hỏi Nhà thờ đổ. Nếu đi ô tô khách: đón xe ở bến Giáp Bát, đi chuyến Hà Nội – Nam Định – thị trấn Cồn (hoặc Thịnh Long). Xuống xe, bắt xe ôm vào khu Nhà thờ đổ (3 km).
Cánh đồng muối Hải Hậu
Người dân ở huyện Hải Hậu của tỉnh Nam Định đã gắn bó với nghề làm muối từ đời này qua đời khác. Nằm cạnh biển, sát ngay dưới chân đê, cả cánh đồng muối chạy tít tắp, xen kẽ hai màu trắng đen. Ô đen là sân phơi cát, ô trắng là sân phơi muối, ở giữa là những rãnh nước nhỏ dẫn nước biển vào ruộng.
Ảnh: Trần Tiến Thành
Cảnh hoàng hôn dần buông trên những cánh đồng muối trải dài dọc bờ biển đẹp như tranh vẽ. Trong bóng chiều nhập nhoạng, những đôi tay chai sần thoăn thoắt cào muối không phút ngơi nghỉ. Sau đó, những đôi chân trần gân guốc hì hục kéo mấy chiếc xe cút kít chở đầy muối về nhà sau một ngày nhọc nhằn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Bóng những người diêm dân như một nét chấm phá cho khung cảnh cánh đồng muối rộng lớn.
Cầu ngói chợ Thượng
Cầu ngói chợ Thượng thuộc thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Cầu bắc qua sông Ngọc cạnh chợ Thượng nên được gọi là cầu ngói chợ Thượng. Nhà cầu dựng bằng khung gỗ lim, mái lợp ngói nam, hai hồi xây tường, hai bên là hai cửa giả.
Ảnh: thethaovanhoa
Cầu ngói chợ Thượng có 11 gian kết cấu kiểu kèo cầu tứ hàng chân, mỗi gian từ 1,45m đến 1,65m tạo nên một công trình dài 17,35m nối hai bờ sông. Với những người dân, cầu Ngói không chỉ để qua lại mà còn như một mái nhà che mưa che nắng, nghỉ ngơi ngắm sông nước hai bên.
Cầu ngói chùa Lương
Cũng thuộc Nam Định, cầu ngói chùa Lương thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, bắc qua sông Hoành, cách chùa Lương hơn 100m. Cầu có 9 gian uốn cong tựa cầu vồng trên 18 trụ đá vững chãi.
Cầu ngói chùa Lương có 9 gian uốn cong tựa cầu vồng. Ảnh: ST
Cầu tuy chạm, khắc đơn giản song thể hiện hài hoà nét kiến trúc cổ truyền. Hệ thống mái nhà cầu được lợp bằng ngói vảy rồng, có hình mũi hài âm dương, nhìn từ xa sẽ thấy tựa hình con rồng đang vươn mình bay lên. Chính sự mềm mại, uyển chuyển trong lối kiến trúc đã tạo cho cầu ngói chùa Lương sự tinh tế, khác biệt so với những cây cầu ở các nơi khác.
Bãi biển Thịnh Long
Thịnh Long là bãi biển sạch, trải dài hơn 3 km với dải cát mịn thoải, không bị bùn lún, êm đềm và thơ mộng thuộc thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Ảnh:@sontung
Mặc dù là bãi tắm mới, nhưng nước biển có độ mặn cao, sóng lớn hấp dẫn nhiều du khách trong mùa hè oi bức. Du khách đến với biển Thịnh Long là đến với vẻ đẹp nguyên sơ, môi trường chưa bị ô nhiễm. Những hàng phi lao trên bờ biển xa ngút tầm mắt tô điểm cho biển Thịnh Long một vẻ đẹp thuần khiết, khoáng đạt. Ngoài ra, các loại đặc sản biển ở đây nhiều, ngon và rẻ hơn so với nhiều khu du lịch biển khác ở miền Bắc.


Chùa Phổ Minh
Chùa Phổ Minh hay còn được gọi là chùa Tháp tọa lạc ở thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, ngoại thành thành phố Nam Định. Ngôi chùa này rất nổi tiếng và có bề dày lịch sử, được xây dựng từ thời Lý. Sau đó, vào khoảng năm 1262 vua Trần Thái Tông đã cho tu sửa, mở rộng hơn và xây dựng nên tháp Phổ Minh.
Ảnh:panoramio.com
Tháp Phổ Minh là di tích nổi tiếng nhất, đây chính là ngọn tháp được in ở phía mặt sau của tờ 100 đồng, được thiết kế theo lối kiến trúc nhà Trần. Tháp cao khoảng 17 m, có đến 14 tầng, cửa bằng gỗ lim và là nơi tụng kinh niệm phật của các quan lại thời Trần.
Các nhà thờ
Nam Định hấp dẫn du khách bởi là nơi có nhiều nhà thờ nổi tiếng và lâu đời mà vốn dĩ các nhà thờ ở Sài Gòn và Hà Nội không thể sánh bằng. Ở nhiều huyện như Xuân Trường, Hải Hậu, bạn chỉ cần đi vài km là sẽ tìm thấy một ngôi nhà thờ lớn với mái vòm rộng và tháp cao nằm giữa xóm làng.



Đa số các nhà thờ ở Nam Định đều được xây dựng rất cầu kỳ với quy mô hoành tráng, và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi kiến trúc Gothic Tây Ban Nha và Pháp, một số nhà thờ thậm chí trông có vẻ gần như siêu thực. Bạn có thể ghé thăm một số nhà thờ nổi tiếng như: nhà thờ Hưng Nghĩa, tòa giám mục Bùi Chu, đền thánh Kiên Lao, tiểu vương cung thánh đường Phú Nhai, nhà thờ Khoái Đồng…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét